Chị Dung không biết, 3 từ này khiến con mình tổn thương đến thế.
Năm nay 38 tuổi nhưng cuộc sống của chị Mỹ Dung (TP.HCM) chỉ xoay quanh con cái. Từ khi sinh con, chị nghỉ làm, dành trọn thời gian cho gia đình và nuôi dạy con. Ngoài học ở trường, con còn tham gia lớp học thêm này đến lớp năng khiếu khác. Con học mệt, mẹ cũng vất vả khi phải nhiều vòng đón đưa, bất kể mưa nắng.
Chị cũng từ chối mọi buổi cà phê, tụ tập bạn bè vào cuối tuần để dành hết thời gian cho con. Dù luôn cho rằng, việc giáo dục con là quan trọng nhất, nhưng không hiếm những lúc chị Dung thấy bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng, kiệt sức. Chị trút những gánh nặng đó lên vai con.
“Nếu không có con, mẹ đã thành công hơn”; “Nếu không có con, mẹ đã không sống như thế này”; “Mẹ nhịn ăn nhịn mặc vì con, con lại học hành thế này”… là những câu chị vẫn nói với con trong những lúc tức giận, khi con không đạt được thành tích như mong muốn.
Có lần, khi chị thốt lên 3 từ “con nợ mẹ”, đứa trẻ bỗng hét toáng lên, đầy giận dữ: “Con bắt mẹ hy sinh vì con à? Con bắt mẹ sinh con à? Con có bắt mẹ nghỉ việc chăm con không”? khiến bà mẹ “đứng hình”.
Ảnh minh hoạ
Đừng để con mang tâm lý “con nợ mẹ”
Theo khảo sát về tình trạng làm mẹ năm 2021 của website Motherly, 93% các bà mẹ ít nhất một lần thấy kiệt sức vì áp lực chăm sóc con, 16% nói luôn cảm thấy như vậy. Một nghiên cứu năm 2012 từ của ĐH Mary Washington, Mỹ tin rằng phụ nữ ủng hộ “làm mẹ chuyên sâu” – tức lấy trẻ làm trung tâm – nhiều khả năng bị trầm cảm, ít hài lòng cuộc sống.
Lựa chọn dành cho gia đình vốn dĩ không ai giống ai, quyết định làm mẹ toàn thời gian cũng vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu bạn vin vào những “hy sinh” và ép con cái làm mọi thứ theo ý mình, thì đó là một loại xiềng xích, một gánh nặng vô hình cho đứa trẻ.
Nhiều năm trước, một tin tức gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Có một bà mẹ đơn thân ở Cáp Nhĩ Tân đã đồng hành cùng con trai mình từ khi cậu thi vào cấp 3 cho đến kỳ thi tuyển sinh đại học.
Đứa trẻ trượt kỳ thi đại học hai lần. Theo yêu cầu của mẹ, cậu phải thi lại. Nhưng chứng trầm cảm nặng đã khiến cậu không thể tham gia kỳ thi nữa. Đứa trẻ dùng dao tự sát. Người mẹ chộp lấy con dao để cứu con nhưng lại vô tình đâm trúng tim mình.
Được biết, người mẹ này vốn là một nhân viên văn phòng tính tình vui vẻ, có năng lực. Mới ngoài 40 tuổi, cô đã quyết định từ chối tái hôn, bỏ việc, bán nhà đưa con lên thành phố lớn và đặt cược cả cuộc đời vào con trai mình. Kết quả là cô không chỉ khiến con trượt kỳ thi mà còn hủy hoại cuộc đời của con.
Trong ấn tượng của hầu hết mọi người, người mẹ là hình ảnh của một phụ nữ đảm đang, hy sinh vì con cái và vất vả lo toan cho gia đình. Nhưng một người mẹ hy sinh quá mức vì con, dồn hết tâm trí cho con, không có lý tưởng theo đuổi riêng, không những khiến cuộc sống trở nên mệt mỏi mà còn gây áp lực tinh thần rất lớn cho những đứa trẻ.
Mẹ hy sinh càng nhiều, sẽ càng ít thời gian cho bản thân. Làm mẹ là cho đi yêu thương không kèm điều kiện, là dành cho con những điều tốt đẹp nhất nhưng cũng không quên bản thân phải tốt đẹp trước.
Buông bỏ công việc gia đình một cách phù hợp, chấp nhận sự không hoàn hảo và hãy để những thành viên trong gia đình quản lý công việc theo cách họ muốn. Dành không gian cho riêng bạn, sắp xếp đi làm đẹp, tiệc tùng, tập thể dục, du lịch, làm cho cuộc sống trở nên phong phú.
Tìm những thứ quan tâm, nuôi dưỡng sở thích của bản thân, chẳng hạn như âm nhạc, đọc sách, viết lách, cắm hoa, vẽ tranh, yoga,… Tiết kiệm được xem là một phương cách tốt để bảo đảm cho tương lai, tuy nhiên cũng đừng để việc tiết kiệm trở thành thứ kiểm soát và “chèn ép” những sở thích cá nhân. Thỉnh thoảng hãy tự thưởng cho mình những món quà, thay vì chờ đợi người khác rồi thất vọng, bực bội.
Nên nhớ, trẻ em cũng sẽ có những lựa chọn và con đường sống riêng để đi, chúng có quyền tự do và suy nghĩ của mình.
Để lại một bình luận