Ls. Nguyễn Bích Lan, Trưởng văn phòng luật sư Số 5 Hà Nội cho biết: Mới đây, chị đã tư vấn cho một “ca khó”. Tư vấn xong, mọi việc đã đạt được như mong muốn của khách, nhưng chị vẫn trăn trở không yên. Người đến “cầu cứu” văn phòng của Ls. Lan là một nữ trí thức thành đạt tên Hương.
Chị Hương từng có một tổ ấm gia đình được xem là mỹ mãn. Chị là giảng viên Đại học. Chồng chị là một doanh nhân thành đạt. Vợ chồng chị Hương có 2 con, 1 gái (12 tuổi), 1 trai (7 tuổi). Là ông chủ của một doanh nghiệp lớn và bận trăm công nghìn việc, nhưng chồng chị Hương dưới con mắt của nhiều người luôn là người đàn ông của gia đình.
Bao năm nay anh vẫn giữ thói quen sinh hoạt, sáng đưa cả nhà đi ăn sáng. Sau đó, chị Hương và các con được chồng “hộ tống” đến trường. Những ngày cuối tuần, gia đình chị Hương thường tụ tập cùng nhóm gia đình các bạn thân tổ chức ăn uống, shopping, xem phim… Cuối tháng, những cặp “vợ chồng có điều kiện” lại đến các địa điểm du lịch nổi tiếng từ trong cho đến ngoài nước.
Lấy được một người chồng là trí thức – doanh nhân thành đạt lại hết mực yêu chiều vợ con, chị Hương thấy mình là người quá may mắn và hạnh phúc. Thế rồi một lần, chị Hương đã choáng váng khi chồng rủ cùng chơi trò “tráo đổi chồng vợ” cùng những người bạn trong nhóm.
Ban đầu chị Hương không tin những lời nói đó lại được thốt ra từ một người chồng mà chị hết sức yêu thương và kính trọng. Anh kể rằng, anh đã từng tham gia trò ấy và… thấy thú vị nên rủ vợ thử. Anh còn kể, anh từng “đóng cặp” vớ H – vợ anh P, lần khác lại “ghép đôi” cùng N – vợ anh Q, thậm chí anh từng quan hệ theo kiểu bầy đàn… Cuối cùng, chị Hương đã phải tin, chuyện chồng mình chơi trò bệnh hoạn là có thật. Vật vã, đau đớn, phải đến các chuyên gia tâm lý để ổn định tinh thần. Cuối cùng chị Hương tìm đến văn phòng luật sư.
Không phải chị Hương nhờ luật sư tư vấn làm thế nào để lôi chồng ra khỏi vũng lầy nhơ nhớp. Cũng không phải chị Hương lo sợ sẽ phải phân chia tài sản nếu chị quyết định ly hôn với người chồng đổ đốn. Chị chỉ nhờ luật sư tư vấn, làm thế nào để giành quyền nuôi 2 đứa con, để các con chị không bị ảnh hưởng bởi cách sống bệnh hoạn của người bố, nhất là các cháu đang bắt đầu tuổi trưởng thành. Nhưng việc người phụ nữ được nuôi cả 2 con trong khi cả 2 vợ chồng đều có thu nhập ngang nhau, và dưới con mắt của mọi người, chồng chị là 1 người đàn ông hoàn hảo thì đây là việc chẳng dễ dàng gì.
Dù biết chồng có cách sống bệnh hoạn, thậm chí bỉ ổi nhưng chị Hương chẳng thể chứng minh được điều đó bằng lời nói. Hàng ngày chồng chị vẫn sống trong vỏ bọc của một người chồng, người cha hết lòng yêu thương, chăm sóc vợ con.
Nhờ sự tư vấn của luật sư và một chút may mắn, cuối cùng chị cũng giành được quyền nuôi 2 đưa con sau phiên tòa xử ly hôn. Là người tư vấn, Ls. Nguyễn Bích Lan vui khi thấy chị Hương đã hoàn thành được tâm nguyện. Thế nhưng, Ls. Lan cũng luôn canh cánh nỗi lo: Dù không nuôi con, người chồng ấy vẫn được quyền thăm con. Người chồng ấy có quyền đưa đón các con đi chơi, thậm chí thỉnh thoảng đưa về ở với bố. Pháp luật đã quy định, chị Hương không được ngăn cấm quyền thăm con của chồng. Mà trong mắt các con, bố chúng vẫn là tấm gương mẫu mực, chúng luôn thần tượng bố.
Ls. Lan cho biết, trước đây chị từng tiếp 2 trường hợp tương tự. Tuy nhiên, cả 2 trường hợp ấy vẫn chỉ là nghi vấn. Đến lượt chị Hương, Ls. Lan mới tin rằng, thú chơi bệnh hoạn “tráo chồng đổi vợ” đã len lỏi vào xã hội Việt Nam và đáng buồn là vào cả giới trí thức.
Để lại một bình luận