Anh em trong nhà chính là người thân thiết chỉ sau đấng sinh thành, bởi không chỉ chung một dòng máu mà còn cùng nhau lớn lên, trưởng thành. Tuy nhiên, thứ tình cảm thiêng liêng này đôi khi cũng bị lung lay bởi những điều khác.
Khi còn nhỏ, anh chị em là những người gắn bó mật thiết, cùng lớn lên, chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn. Nhưng bước vào tuổi trung niên, sự gắn bó ấy dần phai nhạt, thậm chí có người cảm thấy xa lạ, không còn chung tiếng nói. Những lý do dưới đây tuy đau lòng nhưng phản ánh thực tế của nhiều gia đình:
“Anh em như tay chân, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.”
hay
“Anh em nào phải người xa,
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.
Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.”
Đây là những câu ca dao, tục ngữ nhắc nhở những đứa con trong gia đình là anh em ruột rà với nhau phải biết thương yêu và đùm bọc nhau trong mọi hoàn cảnh.
Nhắc đến hai chữ anh em là nhắc đến ý nghĩa tình thâm, ruột thịt bởi chẳng ai có thể cùng nhau lớn khôn từ những ngày thơ ấu đến khi trưởng thành như những anh chị em trong cùng một nhà. Tuy nhiên, sự bền chặt của tình cảm anh em lại không dài theo năm tháng đời người cũng không thể cùng nhau đi qua mọi thăng trầm như những gì bố mẹ vẫn luôn mong cầu.
Theo tuổi tác và trải nghiệm trưởng thành, những đứa con trong gia đình dần nhận ra rằng mối quan hệ giữa anh chị em trong cùng một nhà không phải lúc nào cũng trọn vẹn đến cùng.
Tuy cùng một mẹ sinh ra, lớn lên dưới một mái nhà nhưng khi đến tuổi trung niên, thật chua chát khi nhiều người nhận ra rằng anh chị em không phải người một nhà. Tất cả bởi vì bản chất con người quá thực tế.
1. Sự khác biệt của mỗi cá nhân dẫn đến khác biệt về thái độ sống
Có câu “Anh em một lòng, hóa nguy thành may”, nhưng thực tế cho thấy hầu hết anh chị em rất khó tìm được tiếng nói chung. Đơn giản vì mỗi người con trong gia đình mang một cá tính khác nhau, sở thích khác nhau và quan niệm sống không như nhau.
Cũng như ngoài xã hội, dù được nuôi dưỡng chung trong cùng một bầu khí gia đình nhưng mỗi đứa con lại là những bản ngã khác biệt. Điều này dẫn đến sự khác biệt rất lớn hoặc thậm chí là đối lập hoàn toàn giữa mỗi đứa con với nhau. Cha mẹ nuôi con sẽ dễ dàng nhận ra, chỉ riêng trong việc ăn uống, đứa thì thích ăn cá, đứa khác lại thích ăn thịt; đứa không ăn hành, đứa nữa không có hành nhất định không chịu ăn.
Thậm chí không đơn thuần chỉ là khác biệt của mỗi cá nhân mà khác biệt đó trong mỗi đứa con lại đôi khi dẫn đến mâu thuẫn và xung đột. Các con có khi sẽ gây gổ với nhau vì sự đối nghịch đó và cần cha mẹ phải trở thành trọng tài phân xử đúng sai.
Khi trưởng thành, mỗi đứa con có một lựa chọn riêng và định hình phong cách sống của mình thì sự khác biệt đó lại càng tạo nên khoảng cách.
Xét cho cùng, không chung thái độ sống rất khó hòa hợp và trong bất kỳ một mối quan hệ nào dù tốt đến đâu cũng sẽ bị thời gian làm tan loãng.
2. Những quỹ đạo và mục tiêu sống khác nhau
Hoàn cảnh gia đình khác nhau tạo nên quỹ đạo cuộc đời và mục tiêu theo đuổi khác nhau.
Thử nhìn vào những gia đình con một mà xem! Những đứa con một có thể dễ dàng dựa vào tình yêu thương duy nhất của cha mẹ dành cho mình để thay đổi cuộc sống và hoàn thành mục tiêu của cuộc đời mình. Nhưng những đứa con trong gia đình có nhiều anh chị em lại khác. Chúng không thể cứ dựa dẫm vào cha mẹ mà phải tự dựa vào chính mình hoặc dựa vào anh chị em. Hoàn cảnh sống này dẫn đến quỹ đạo khác biệt trong cuộc đời mỗi người.
Anh chị em cùng nhau lớn lên nhưng đến lúc đủ lông đủ cánh, mỗi người sẽ phải tự bay đi đến vùng đất mình muốn đến. Ở mỗi nơi với mỗi mục tiêu khác nhau, gặp gỡ những con người khác nhau sẽ hình thành nên những quỹ đạo cuộc đời khác nhau. Đến khi mỗi người tìm được cho mình người bạn đời, thành gia lập thất, chịu ảnh hưởng bởi một nửa còn lại, quỹ đạo đó lại thêm một lần và nhiều lần nữa dịch chuyển. Cứ như vậy, anh em qua trải nghiệm sống khác nhau sẽ dần có khoảng cách và đến một lúc nào đó sẽ nhận ra không còn gắn kết với nhau nữa.
Nếu đầu mối kết nối những sợi dây tình thâm là cha mẹ mất đi, tình cảm anh em sẽ càng nhạt dần theo thời gian.
3. Ít thời gian và khoảng cách địa lý
Ở tuổi trung niên, nhiều người phải sống xa quê hương để làm ăn, lập nghiệp. Khoảng cách địa lý và quỹ thời gian hạn hẹp khiến anh em ít gặp gỡ, dần dần mất đi sự kết nối. Tình cảm nếu không được vun đắp sẽ phai nhạt, dù ban đầu có thân thiết đến đâu.
4. Cha mẹ già – “sợi dây” kết nối dần mỏng manh
Khi cha mẹ còn sống, họ là người gắn kết anh em lại với nhau. Nhưng khi cha mẹ qua đời, sợi dây liên kết này dần mất đi. Không ít anh em sau tang lễ của cha mẹ trở thành người dưng vì không còn lý do để gặp gỡ, trò chuyện.
Tình anh em là thứ tình cảm thiêng liêng, nhưng nếu không được vun đắp và gìn giữ, nó cũng dễ phai nhạt theo thời gian. Dù có những lý do khách quan hay chủ quan, mỗi người nên học cách bao dung và gìn giữ tình thân, bởi gia đình ruột thịt là nơi ta luôn có thể dựa vào trong những lúc yếu lòng nhất.
Để lại một bình luận